Thời buổi dịch vụ internet bùng nổ. Các ngân hàng, đại lý xe hơi, thậm chí cửa hàng tạp hoá yêu thích gần nhà của bạn – mọi người đều trực tuyến. Sự cạnh tranh giữa các nền tảng web chưa bao giờ khốc liệt đến thế. Và khi các doanh nghiệp tranh giành vương miện kỹ thuật số, đánh bóng giao diện người dùng của họ và tung ra các tính năng mới, thì người dùng trở nên khó tính. Họ không thể chờ đợi và cũng sẽ không chấp nhận giao diện rườm rà hoặc chức năng kém, họ sẽ chuyển sang một trang web hoặc ứng dụng tốt hơn với thiết kế hàng đầu và tính năng tuyệt vời. Con người là vậy – chúng ta luôn tìm kiếm một giải pháp nhanh hơn và đơn giản hơn cho các vấn đề của mình.
Không chỉ đối mặt với yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng. Một lỗi đơn giản có thể dẫn đến vi phạm bảo mật trong ứng dụng cửa hàng trực tuyến của bạn, khiến dữ liệu cá nhân của người dùng dễ bị tổn thương và gây tổn thất tài chính. Đột nhiên, bạn có hàng tá vụ kiện phải giải quyết.
Đó là lý do trang web của bạn cần phải tiến hành kiểm thử kỹ lưỡng. Hãy cùng xem bài viết hôm nay để hiểu thế nào là kiểm thử trang web và những hướng dẫn chi tiết trong việc kiểm thử trang web nhé.
Test Web Là Gì?
Test Web hay Test Website là việc kiểm tra trang web hay ứng dụng web của bạn nhằm đảm bảo chúng hoạt động theo một tiêu chuẩn chất lượng nhất định. Đó là một quá trình bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, nhưng mục tiêu chính luôn giống nhau – phát hiện càng nhiều lỗi càng tốt và phát triển các phương pháp nhằm ngăn chặn chúng trong tương lai.
Kiểm thử web để trả lời một số câu hỏi chính:
- Chức năng của sản phẩm có đáp ứng yêu cầu không?
- Nó có hoạt động chính xác trên tất cả các thiết bị chính không?
- Sản phẩm có thể hỗ trợ một lượng lớn người dùng không?
- Người dùng chưa đăng ký có thể truy cập nó không?
Kiểm thử web không chỉ là chạy đi chạy lại các chức năng. Nó cũng chỉ ra các vấn đề về khả năng sử dụng mà bạn chưa từng biết ngay từ đầu. Đồng thời, chúng cũng giúp phát hiện các điểm yếu trong giải pháp web của bạn ở tất cả các giai đoạn và cấp độ, bao gồm cả trải nghiệm người dùng.
Các Giải Pháp Kiểm Thử Web
Tuỳ thuộc vào loại giải pháp web mà bạn đang xây dựng mà việc kiểm thử web có thể bao gồm nhiều nền tảng khác nhau. Trong phần này, mình sẽ đề cập đến bốn loại giải pháp web phổ biến và các kiểm tra chúng.

Kiểm thử các trang web tĩnh
Trang web tĩnh là trang web sử dụng hoàn toàn ngôn ngữ HTML. Sau khi tải trang HTML từ server xuống, trình biên dịch sẽ biên dịch code và hiển thị nội dung trang web. Người dùng hẫu như không thể tương tác với trang web. Ngắn gọn thì các trang web tĩnh hiển thị cùng một thông tin cho tất cả người dùng. Không ai mong đợi chức năng phức tạp từ chúng. Kiểm thử một trang web như vậy khá đơn giản, chỉ cần làm theo các bước đơn giản sau đây:
- Đảm bảo rằng GUI của bạn không gây mỏi mắt, khó chịu hoặc nhàm chán (chú ý đến các yếu tố như: kích thước và kiểu phông chữ, màu sắc, khoảng cách, v.v..).
- Kiểm tra các liên kết xem có liên kết nào bị hỏng không.
- Đảm bảo nội dung không bị cắt xén, kiểm tra chính tả các text.
- Kiểm tra thanh cuộn có trơn tru không.
- Kiểm tra biểu mẫu liên hệ của trang web nếu có.
Kiểm thử các trang web động
Đây là những trang web mà người dùng tích cực tương tác, thay đổi nội dung của họ. Họ yêu cầu tập trung vào cả giao diện người dùng và các yếu tố phụ trợ. Kiểm thử giao diện người dùng liên quan đến việc kiểm tra HTML và CSS (những thứ mà người dùng tương tác). Trong khi phần phụ trợ là kiểm tra cơ sở dữ liệu và hệ thống chạy chương trình từ phía background (thường được viết bằng JavaScript).
Ngoài những thứ được mô tả trong phần kiểm thử trang web tĩnh, các bài kiểm tra web của bạn nên bao gồm:
- Kiểm tra công cụ chú giải – tooltip đảm bảo chúng tuân thủ các tiêu chuẩn
- Kiểm tra trạng thái các nút khi enable, disable
- Đảm bảo rằng tất cả các thông báo lỗi và cửa sổ bật lên khi cần
- Đảm bảo không bị vỡ ảnh
- Các trường input hoạt động bình thường
- Kiểm tra các trường và xác thực biểu mẫu khi trang web cho phép tạo tài khoản
- Kiểm tra cơ sở dữ liệu và hệ thống của bạn có hoạt động đúng không
Kiểm thử web thương mại điện tử
Sự khác biệt chính giữa một cửa hàng trực tuyến và bất kỳ trang web nào khác là ở mục đích của nó. Đó là thiết lập mặt tiền cửa hàng kỹ thuật số cho các sản phẩm và thực hiện các giao dịch tài chính. Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo trải nghiệm khách hàng tích cực. Quá trình kiểm thử web thương mại điện tử nên được tập trung vào:
- Chức năng: Hãy thử thêm một số mặt hàng vào giỏ hàng, đặt hàng và thanh toán.
- Khả năng sử dụng: Các trang có tải đúng cách không? Có bất kỳ hành động bổ sung nào làm phức tạp việc mua sắm không?
- Hiệu suất: Khách hàng có thể mua sắm nhanh chóng và thoải mái không? Kiểm tra khả năng của cửa hàng trực tuyến để xử lý hiệu quả lượng khách truy cập.
- Khả năng tương thích: Kiểm tra khả năng tương thích của trang web trên nhiều trình duyệt và thiết bị khác nhau.
Kiểm thử web hoặc web app dành cho thiết bị di động
Kiểm thử web trên thiết bị di động cũng liên quan đến HTML, CSS và JavaScript. Nhưng vẫn có một số khác biệt bởi kiểm thử web trên di động đòi hỏi nhiều thời gian và sự chú ý hơn cho thử nghiệm UI/UX, hiệu suất và bảo mật, cùng như phải xem xét rất nhiều thiết bị và nền tảng di động. Quá trình kiểm thử nên tập trung vào:
- Khả năng sử dụng: Đây là trọng tâm chính của kiểm thử web di động. Giao diện người dùng cuối cùng không được có sai lệch so với thiết kế đã được phê duyệt. Kiểm tra khả năng đáp ứng của giải pháp web của bạn và tính toàn vẹn ở các độ phân giải khác nhau.
- Hiệu suất: Chẳng hạn như thử nghiệm tải API nếu giải pháp của bạn được tích hợp với bất kỳ hệ thống hoặc nền tảng bên thứ ba nào.
- Khả năng tương thích: Kiểm tra khả năng tương thích của trang web trên nhiều trình duyệt và thiết bị khác nhau.
- Kiểm tra bảo mật: Hãy đảm bảo rằng không có lỗ hổng bảo mật nào trong hệ thống của bạn để bảo vệ người dùng và dữ liệu của họ.
7 Bước Chính Trong Kiểm Thử Ứng Dụng Web

Kiểm thử web là một quá trình khá phức tạp và có rất nhiều yếu tố cần xem xét. Nếu không có một chiến lược vững chắc, bạn sẽ nhanh chóng lạc lối và bỏ lỡ những bước cần thiết. Đảm bảo xem xét 7 bước sau đây khi lập kế hoạch kiểm thử của bạn.
Step 1: Kiểm thử chức năng
Sẽ chẳng ích gì khi chạy bất kỳ thử nghiệm nào nếu ứng dụng không thực hiện các tác vụ mà nó được thiết kế. Vì vậy, mục tiêu đầu tiên là kiểm tra chức năng.
Kiểm tra User flow – Luồng người dùng: Kiểm tra sự điều hướng của web xem chúng có mượt mà không. Một sản phẩm tuyệt vời phải trực quan. Nếu thoạt nhìn giao diện người dùng có vẻ hơi phức tạp và cồng kềnh, thì nó cần được sửa đổi.
Kiểm tra Hyperlink – Siêu liên kết: Kiểm tra tất cả các siêu liên kết trong trang web của bạn có hoạt động bình thường không và đảm bảo không có liên kết nào bị hỏng. Các liên kết được kiểm tra sẽ bao gồm: Outgoing links, Internal links, Anchor Links, MailTo Links
Validation trường Input: Thông thường, các ứng dụng web đều có các biểu mẫu cho tên, điện thoại, email, v.v. Đảm bảo rằng các biểu mẫu của bạn đang hoạt động theo đúng mong đợi. Điều này sẽ bao gồm:
- Kiểm tra kịch bản trên biểu mẫu đang hoạt động như mong đợi. Ví dụ: nếu người dùng không điền vào trường bắt buộc trong biểu mẫu, thông báo lỗi sẽ được hiển thị.
- Kiểm tra các giá trị mặc định
- Sau khi gửi, dữ liệu trong các biểu mẫu được gửi tới cơ sở dữ liệu trực tiếp hoặc được liên kết với một địa chỉ email đang hoạt động
- Các biểu mẫu được định dạng tối ưu để dễ đọc hơn
Kiểm tra Cookie: Cookie là các tệp nhỏ được các trang web sử dụng để ghi nhớ chủ yếu các phiên hoạt động của người dùng, do đó bạn không cần phải đăng nhập mỗi khi truy cập trang web. Hãy kiểm tra xem ứng dụng có xử lý cookie như dự kiến hay không. Kiểm tra cookie có thể bao gồm:
- Các cookie kiểm tra có được xóa khi bộ nhớ cache bị xóa hoặc khi chúng hết hạn không.
- Xóa cookie và kiểm tra xem thông tin đăng nhập có được yêu cầu khi bạn truy cập trang web lần sau không.
Step 2: Tập trung vào khả năng sử dụng
Hãy ghi nhớ những câu hỏi đơn giản này khi kiểm tra khả năng sử dụng của ứng dụng web của bạn:
- Ứng dụng có đáp ứng mong đợi của người dùng không?
- Giao diện người dùng có nhất quán và điều hướng có chu đáo không?
- Ứng dụng có tương thích với các nền tảng và thiết bị mục tiêu không?
- Nó có chạy đủ nhanh không?
Step 3: Kiểm tra UI
Kiểm tra UI là thực hiện các bài kiểm tra về giao diện phía người dùng. Những câu hỏi bạn nên đặt ra khi xem xét loại kiểm tra này bao gồm:
- Giao diện trông như thế nào?
- Các nút bấm có thuận tiện không?
- Nội dung có thể đọc được không?
- Khi thử nghiệm giao diện, hãy thử mô phỏng hành động của người dùng thông thường.
Step 4: Kiểm tra cơ sở dữ liệu
Cơ sở dữ liệu là một thành phần quan trọng trong ứng dụng web của bạn và cần phải kiểm tra kỹ lưỡng cơ sở dữ liệu đó. Các hoạt động thử nghiệm sẽ bao gồm:
- Kiểm tra xem có bất kỳ lỗi nào được hiển thị trong khi thực hiện truy vấn không.
- Tính toàn vẹn của dữ liệu có được duy trì trong khi tạo, cập nhật hoặc xóa dữ liệu trong cơ sở dữ liệu không.
- Kiểm tra thời gian phản hồi của các truy vấn và tinh chỉnh chúng nếu cần.
- Dữ liệu thử nghiệm được lấy từ cơ sở dữ liệu của bạn được hiển thị chính xác trong web.
Bước 5: Kiểm tra khả năng tương thích
Vì không phải tất cả các trình duyệt, hệ điều hành và thiết bị đều nhất thiết phải hỗ trợ các tính năng giống nhau. Do đó, bạn cần đảm bảo rằng mọi thứ trông và hoạt động bình thường trên mỗi trình duyệt.
Ví dụ: Nếu ứng dụng web của bạn trông tuyệt vời trong Chrome, thì mọi thứ có thể hoàn toàn khác trong Firefox. Áp dụng tương tự cho các hệ điều hành máy tính để bàn và thiết bị di động khác nhau như Windows, macOS, Android và iOS.
Một điều quan trọng khác là phải kiểm tra giao diện của ứng dụng trên các màn hình và độ phân giải khác nhau để đảm bảo khả năng sử dụng tuyệt vời trên mọi thiết bị.
Bước 6: Đo lường hiệu suất
Đảm bảo trong web của bạn hoạt động dưới mọi loại tải. Các hoạt động kiểm thử phần mềm có thể gồm:
- Load testing: Đây là loại thử nghiệm hiệu suất phổ biến nhất cho thấy khả năng phản hồi và khả năng của trang web trong các điều kiện tải cụ thể.
- Stress testing: Điều này sẽ giúp bạn xác định tính ổn định của trang web bằng cách tấn công nó bằng các yêu cầu của người dùng vượt quá khả năng hoạt động bình thường.
- Soak testing: Thử nghiệm này được sử dụng để kiểm tra tính ổn định và hiệu suất của hệ thống trong thời gian dài. Nếu stress testing là một cuộc chạy nước rút, thì soak testing là một cuộc chạy marathon
- Spike testing: Thử nghiệm này đặt ứng dụng dưới các mức tải đột ngột và cực độ khác nhau để xác định hành vi trang web của bạn ở các cấp độ khác nhau và tìm hiểu khả năng hoạt động của nó.
Bước 7: Kiểm tra bảo mật
Kiểm tra bảo mật rất quan trọng đối với những trang web lưu trữ thông tin nhạy cảm của khách hàng bao gồm thẻ tín dụng, số điện thoại, email,… ví dụ như trang web thương mại điện tử. Hoạt động thử nghiệm sẽ bao gồm:
- Static Application Security Testing (SAST): Điều này sẽ giúp bạn xác định các điểm yếu trong mã nguồn của website trong giai đoạn phát triển ban đầu.
- Dynamic Application Security Testing (DAST): Công cụ này phát hiện các lỗ hổng và điểm yếu trong sản phẩm đang chạy bằng cách cho phép dữ liệu độc hại xâm nhập vào phần mềm để xác định các lỗi bảo mật phổ biến và giảm thiểu rủi ro mất dữ liệu có giá trị.
- Application Penetration Testing: Thử nghiệm thâm nhập web đánh giá tính bảo mật của hệ thống thông tin bằng cách mô phỏng các cuộc tấn công được nhắm mục tiêu. Mục đích chính của thử nghiệm này là tiết lộ các kiểu tấn công thành công nhất và thiệt hại có thể xảy ra để vá các lỗ hổng này.
Kết Luận
Khi kiểm thử một trang web, điều quan trọng là vừa kiểm tra tính thẩm mỹ vừa kiểm tra tính năng hoạt động của nó. Mọi loại kiểm thử đều nhằm mục đích bao trùm một khu vực cụ thể, phát hiện các vấn đề lớn nhỏ để bạn có thể cung cấp sản phẩm một cách hoàn hảo nhất. Hi vọng những chia sẻ trên đây có thể giúp phần nào trong công cuộc kiểm thử trang web của bạn.
Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết!
Happy testing!